Âm thanh nổi là cảm giác sống động, khi nghe nhạc người ta có thể hình dung ở một mức độ nào đó về vị trí của nguồn âm thanh trong không gian, từ đó hình thành nên cảm giác về một "sân khấu" trình diễn.
Tại sao lại làm được vậy?
Chúng ta nghe âm thanh chủ yếu trực tiếp bằng hai tai.
Hãy làm một thử nghiệm nhỏ. Bạn nhắm mắt lại và tôi ghé miệng vào tai trái của bạn, tôi vẫn nói và di chuyển miệng từ từ sang phía tai phải, sau đó tôi lùi ra xa một chút và lại di chuyển miệng sang tai trái của bạn trong khi vẫn tiếp tục câu chuyện. Bạn sẽ có một cảm giác tương đối về vị trí của miệng tôi trong cả quá trình vừa xong trong không gian. Nó rất đơn giản là khi tôi nói gần tai trái của bạn thì tai phải vẫn nghe thấy tiếng tuy nhỏ hơn, khi dần di chuyển qua bên đó thì âm thanh tai phải nhận được sẽ mạnh dần lên. Nó do âm thanh truyền đi nhưng suy hao trong không khí, càng xa càng suy hao.
Bây giờ tôi sẽ sửa lại câu chuyện trên một chút, không phải là tai bạn nữa mà là hai chiếc máy thu âm được đặt vào vị trí đó. Máy thu sẽ nhận được quá trình biến đổi cường độ âm do tôi di chuyển... sau đó tôi phát lại hai máy thu âm đó cùng lúc qua tai nghe, bạn sẽ có cảm giác về không gian tương tự như khi tôi nói chuyện lúc nãy.
Bản chất của cách thức tái tạo âm thanh nổi hiện nay là như vậy. Dựa vào độ sai biệt cường độ âm rót vào hai tai của người nghe để cho họ có cảm giác về vị trí trong không gian của nguồn phát ra âm thanh. Tuy nó là giả nhưng cảm giác có lẽ không sai khác nhiều so với thực tế.
Giờ thì bạn sẽ hiểu thông số stereo sepaseparation mà nhà sản xuất thiết bị âm thanh ghi trên kim máy hát, ví dụ 25db hoặc hơn, đó là chỉ cường độ âm sai biệt của hai kênh để tái tạo hiệu ứng âm thanh nổi, giá trị này lớn hơn thì cảm giác càng rõ ràng hơn.
Nguyễn Văn Thương
Hà Nội 9-6-2023
Bài viết có thể được cập nhật bổ sung trong tương lalai.